Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6
Tháng 04 : 575
Năm 2024 : 6.940
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHA MẸ GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN TÍNH SÁNG TẠO

     Làm cha mẹ, ai chẳng ao ước mình có đứa con thiên tài như thần đồng Mozart hay danh họa Pocasso? Nên nhớ, mỗi đứa trẻ đều có tính sáng tạo của riêng mình. Làm thế nào để trẻ trở nên sáng tạo hơn và cần giúp con như thế nào để con phát triển những gì chúng có?

Học vẽ tranh giúp trẻ phát huy tính sáng tạo.

      * Giúp trẻ phát triển các giác quan.

      Sức sáng tạo hình thành nhờ quá trình phát triển các giác quan nhìn, sờ, lắng nghe, ngửi và cảm giác của trẻ. Các ông bố bà mẹ khi chơi với con có thể thổi nhẹ lên da bé, cho trẻ đi chơi công viên bảo con nhìn lá rụng, ngửi mùi của những bông hoa, sờ lên các chất liệu cứng, mềm, nếm các loại quả có vị chua, chát… sau đó hỏi xem bé có những cảm giác và nhận xét như thế nào. Làm như vậy để kích thích các giác quan của bé và cho bé có những phản ứng nhanh nhạy hơn.
     * Khuyến khích trẻ quan sát những điều xung quanh

     Điều này không có nghĩa lúc nào bạn cũng phải dẫn bé đi xem những hiện vật và các bức tranh tại viện bảo tàng. Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ luôn cảm thấy xung quanh có nhiều điều mới lạ. Bạn chỉ cần khuyến khích con chăm chú ngắm nhìn thế giới bên ngoài như mô tả tỉ mỉ các bông hoa, cách con ong hút mật, những màu sắc của cầu vồng, các loại cây trong khu vườn… Sau đó bạn chỉ cho bé thấy sự khác nhau giữa chúng, nhất là sự khác nhau của một đồ vật khi ánh sáng thay đổi… Có thể đưa con một quyển sổ, bút chì và bảo bé vẽ lại những gì mình quan sát được… Qua đó, giúp bé có thể học thêm bao điều kì diệu.

       Dạy con cách mô tả những cảm xúc bằng lời.

     Những cảm xúc của trẻ rất dễ thay đổi từ cười sang khóc, từ dịu dàng dễ thương sang cáu giận… Theo các chuyên gia, tất cả sự thể hiện của trẻ không mang tính sáng tạo, ví dụ một đứa trẻ không bằng lòng về việc gì có thể giận dỗi, la khóc, làm các động tác khó nhìn… khiến người lớn bực mình. Thay vì đánh, mắng con, bạn hãy nói với chúng: “Con có thể nói cho bố mẹ biết, con tức giận như thế nào và về điều gì không?”.  Nếu trẻ mô tả  lại được bằng lời những gì chúng cảm nhận cho người xung quan hiểu được, là bé đã trở nên sáng tạo hơn.    
     *Tạo điều kiện cho trẻ phát triển năng khiếu tự nhiên

      Muốn biết con mình có những năng khiếu gì và các hoạt động nào là thích hợp nhất với bé, bạn nên quan sát trẻ một cách kĩ lưỡng sau đó đưa ra các gợi ý cho bé. Nếu trẻ thích vận động, có thể tạo điều kiện cho con được học lớp múa, kịch câm, nhào lộn, bơi lội… Nếu trẻ ưa màu sắc cần thường xuyên cho trẻ làm quen với bút chì màu, sáp màu, các bức tranh phong cảnh sặc sỡ… và giúp con biết phân biệt các loại màu. Trẻ thích âm thanh, cho con học đàn, nghe nhạc, bảo trẻ nói xem sự khác nhau giữa điệu nhạc du dương với những âm thanh quen thuộc (tiếng còi ô tô, tiếng rao, tiếng xe chạy…) trên đường phố. Đối với trẻ lớn, có thể tặng con chiếc máy ảnh kĩ thuật số và cho trẻ chụp những gì trẻ thích. Tóm lại có thể cho con làm quen với bất kì hoạt động nào, miễn là trẻ cảm thấy thoải mái và thấy được giá trị của bản thân trong các lĩnh vực hoạt động ấy để phát triển khả năng vốn có và thêm tự tin trong cuộc sống.

     * Giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng

      Điều này cha mẹ cần làm ngay từ khi con còn nhỏ. Ví dụ hãy đưa ra một chú thỏ bông và gợi ý cho trẻ: “Nếu con thỏ này biết nói, biết đi thì nó sẽ làm gì với con hoặc với cả nhà ta nhỉ?”, dùng những câu hỏi để hướng trẻ đưa chú thỏ vào những hoạt động cụ thể đi học, ăn cơm, chơi với bạn, đi dạo với mẹ… và cho trẻ tự sáng tác ra những điều xảy đến với thỏ trong tình huống ấy. Với những gợi mở như vậy, trẻ có thể dệt nên câu chuyện một cách dễ dàng và trí tưởng tượng của các em càng thêm sáng tạo, bay bổng. Cũng có thể kích thích sự sáng tạo của trẻ qua trò chơi hoá trang. Tất cả những đồ cũ khăn, quần, áo, mũ, kính…  đều có thể trở thành những đồ hoá trang tuyệt vời cho trẻ trong các dịp khác nhau, hay trong những trò chơi. Lúc trẻ diện các đồ đó lên người, bạn có thể hỏi: “Khi phải theo dõi một ai thì chiếc kính và mũ phải để như thế nào?”, “Nếu con là một chú bù nhìn rơm, con sẽ mặc ra sao?”, và trẻ sẽ tha hồ mà biến hoá với đống đồ cũ ấy, rồi nhập vai nhân vật một cách xuất sắc và được sống trong thế giới tưởng tượng.    
      * Tạo điều kiện cho trẻ bắt chước.
    
 Bản chất sáng tạo của trẻ luôn hình thành qua sự bắt chước, và cha me, những ai hay gần gũi trẻ là những người mà trẻ bắt chước đầu tiên. Để kích thích sự sáng tạo ấy, có thể kể cho con nghe các câu chuyện cổ tích và diễn lại những tình huống xảy ra theo câu chuyện. Tiếp đó bảo con hãy nhắc lại những câu nói theo tình huống, ví dụ: Khi nhân vật tức giận, cáu kỉnh nói như thế nào, khi bao dung, nhân hậu thì sẽ thể hiện ra sao… Khuyến khích con đóng lại vai các nhân vật mà trẻ yêu thích như chuột Mickey, mèo máy Doraemon, Nobita, Suka… theo như câu chuyện. Bạn cũng có thể biến tấu những tình huống quen thuộc của cốt chuyện, sang các tình huống khác nhau như thay đổi địa điểm, thói quen… của nhân vật hay một số nội dung của chuyện, để xem bé phản ứng ra sao. Nếu bé ngắt lời bạn vì kể không đúng, bạn hãy nói con kể nốt phần còn lại mà trẻ nhớ được. Từ đó trẻ sẽ học dần cách thể hiện và trở nên thông minh hơn. 

     * Cho trẻ tham gia một hoạt động nghệ thuật

      Có thể nói, đứa trẻ nào cũng mang sẵn trong mình tính nghệ sĩ tự nhiên. Ngay từ thơ bé, nếu có điều kiện cha mẹ cần cho con tham gia một bộ môn nghệ thuật (học múa, vẽ, đàn, kịch câm…). Các bộ môn nghệ thuật sẽ giúp trẻ tự thể hiện cảm xúc, suy nghĩ (niềm vui, nỗi buồn)… của mình. Trẻ vẽ một bức tranh, cũng nói lên thiên hướng màu sắc và quan điểm của chúng về sự vật được vẽ… và qua đó, sự sáng tạo của trẻ cũng có dịp được thăng hoa. Nhưng trước khi cho con học, bạn cần tìm hiểu xem trẻ có thật sự hứng thú với môn học bố mẹ định cho theo hay không, cần thì cho trẻ thử trước vài buổi. Đừng nên ép trẻ học những môn mà trẻ không thích.
      * Khuyến khích trẻ tự tin vào tính sáng tạo của bản thân

      Nếu con bạn luôn nghĩ rằng mình là người chậm chạp, thiếu sáng tạo và ngại làm bất cứ việc gì cần sáng tạo thì bằng mọi cách bạn  bảo con hãy quên ngay ý nghĩ đó đi. Tất cả mọi người đều có năng khiếu, chẳng qua là ta chưa biết khơi gợi tiềm năng đó thôi. Cần làm cho con bạn tin rằng, bản thân trẻ rất giỏi và cha mẹ sẽ giúp trẻ làm tốt nếu trẻ cố gắng.

 


Tác giả: Trường Mầm non Tây Ninh
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Video Clip
Văn bản mới